Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, không ít lần chúng ta thấy nói về các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm tại nhà hay tại các nơi ăn uống tập trung. Với hiện trạng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam hiện nay còn lỏng lẻo thì việc nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc thực phẩm và cách phòng tránh là vô cùng quan trọng.
Nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là thuật ngữ chỉ các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn thức ăn hay uống các loại nước đã bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc bị ôi, thiu, chứa các chất bảo quản, chất phụ gia. Các triệu chứng lâm sàng cho thấy một người đã bị ngộ độc thực phẩm là : đau bụng, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, sốt,…Cụ thể là, sau vài phút hoặc vài giờ (có khi là sau một ngày) ăn hay uống phải thực phẩm đã bị nhiễm độc, bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng buồn nôn (có thể đi kèm chóng mặt) và nôn ngay. Có người còn nôn cả ra máu. Đi kèm với nó là hiện tượng đau bụng, tiêu chảy nhiều lần (có thể có máu lẫn trong phân, nước tiểu), sốt cao hoặc cũng có thể không sốt.
Đối với người già, trẻ em dưới 5 tuổi, những người có thể chất yếu thì các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện khá nặng. Do vậy cần đặc biệt chú ý những người bị nôn nhiều (trên 5 lần), khô miệng, mắt trũng là đang trong tình trạng bị mất nước, mất điện giải, có thể dẫn đến trụy tim mạch, tốt nhất nên đưa đến bệnh viện ở gần nhất.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm
1. Ngộ độc do nhiễm ký sinh trùng: nguyên nhân ngộ độc là do các ký sinh trùng, các vi khuẩn, nấm mốc, nấm men và virus có sẵn trong thực phẩm đã bị hỏng gây nên.
Cách phòng tránh: tốt nhất để tránh không bị ngộ độc dạng này thì bạn nên thực hiện nghiêm chỉnh quy tắc ăn chín, uống sôi; không ăn những thực phẩm đã để lâu, quá hạn, có dấu hiệu bị mốc, bị ôi thiu; không được để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống; nên chọn mua những thực phẩm còn tươi tại các cửa hàng uy tín.
2. Ngộ độc do ăn phải thực phẩm chứa sẵn chất độc: những thực phẩm mà bản chất chúng chứa sẵn độc tố như: cá lóc, cá cóc, cóc, nấm độc, khoai tây đã mọc mầm,…sẽ khiễn bạn bị ngộ độc do ăn phải và nếu không được cứu chữa kịp thời thì rất có thể gây ra tử vong.
Cách phòng tránh: đối với những thực phẩm như nấm độc, khoai tây đã mọc mầm,…thì tuyệt đối không ăn. Đối với những thực phẩm như cá lóc, cá cóc, cóc vẫn có thể ăn được nếu biết cách loại bỏ bộ phận chứa chất độc thì cần phải người có kinh nghiệm chế biến, nếu không thì tốt nhất không ăn.
3. Ngộ độc do nhiễm chất hóa học bị cấm: ngày nay rất nhiều thực phẩm đã bị người bán tẩm phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị cấm dùng cho thực phẩm với mục đích bảo quản được lâu và có màu sắc đẹp hơn như: bún, giò, chả có chất hàn the, bánh kẹo tẩm phẩm màu,…ngoài ra các loại rau củ cũng bị phun chất kích thích, thuốc trừ sâu vô tội vạ cũng là hiểm họa đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Cách phòng tránh: việc nhận biết những thực phẩm đã chứa chất độc hóa học trên là khá khó khăn và phức tạp đồng thời biểu hiện ngộ độc cũng lâu dài hơn. Tốt nhất các bạn nên chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh ăn đồ ăn vỉa hè; với rau củ cần rửa sạch qua nhiều lượt nước trước khi nấu.
Cách sơ cứu bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm
Với những bệnh nhân có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất, đồng thời thực hiện các biện pháp sơ cứu sau:
– Nếu bệnh nhân còn tỉnh thì cho uống nước rồi cho ngón tay vào cổ họng, chặn xuống lưỡi để kích thích bệnh nhân nôn hết chất độc ra (lưu ý: giữ đầu bệnh nhân ở vị trí nằm nghiêng). Nếu bệnh nhân không nôn được thì cho uống than hoạt tính để hút các chất độc trong dạ dày, ngăn chúng đi vào máu.
– Cần bù nước, điện giải cho bệnh nhân sau khi đã nôn hay đi ngoài bằng cách cho uống hết một lít nước pha với một gói orezol hoặc cho uống một lít nước pha với 1/2 thìa cà phê muối cùng 4 thìa cà phê đường.
Mọi người không nên chủ quan với các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm mà cần nhanh chóng sơ cứu, và đưa đến cơ sở y tế gần nhất với các dấu hiệu ngộ độc nặng bởi ngộ độc thực phẩm hoàn toàn có thể gây tử vong.