Đặc sản Cao Bằng lạ và ngon

Posted by

Cao Bằng là vùng đất của núi rừng hoang sơ, của những bản làng dân tộc ẩn sâu trên các triền núi, của những di tích lịch sử quốc gia là biểu tượng của tinh thần đoàn kết cũng như tinh thần bất khuất của người dân Cao Bằng như: hang Pác Pó, rừng Trần Hưng Đạo,…Những du khách có sở thích khám phá, khi đến với Cao Bằng ngoài việc tham quan các di tích lịch sử, thăm đồng bào dân tộc Tày, Nùng nơi đây thì cũng không nên bỏ qua việc tìm hiểu những món ăn độc đáo, mới lạ mà chỉ ở Cao Bằng mới có.

Bánh trứng kiến

dac-san-cao-bang-la-va-ngon1

Quả là lạ lùng phải không? Vâng, đúng vậy, đây là món bánh có thành phần là trứng kiến – một món đặc sản của bà con dân tộc Tày ở Cao Bằng. Trứng kiến ở đây là trứng kiến đen, được bà con tìm về vào khoảng tầm tháng 4, tháng 5 hàng năm. Trong tiếng Tày bánh này được gọi là Pẻng Rày. Thành phần chủ yếu của bánh là trứng kiến đen, bột nếp, và lá non của cây vả (một loại cây có họ với cây sung). Loài kiến đen để lấy trứng có thân nhỏ đuôi nhọn, làm tổ trên những cây vầu trong rừng. Theo bà con cho biết thì một tổ kiến to có thể lấy được vài ba chén trứng.

Lá cây vả để làm bánh cũng phải được chọn lựa kỹ càng mới cho ra được một mẻ bánh ngon. Cây được chọn để hái lá phải là cây lá nhỏ sẽ làm bánh được mềm, thơm hơn. Lá được chọn cũng phải là loại lá bánh tẻ, không non quá mà cũng không được già quá bởi lá non quá thì khi hấp lên bánh sẽ nát, còn lá già quá thì bánh sẽ dai, không còn thơm mùi lá.

Bột để làm bánh là bột gạo nếp, pha với một ít bột gạo tẻ cho đỡ dẻo. Bột được pha thêm nước, nhào cho thật nhuyễn, mịn. Lá vả được rửa sạch, cắt bỏ phần gân lá rồi trải một lớp bột vừa phải lên. Trứng kiến đen thì được phi thơm với một ít mỡ lợn, rắc thêm một ít lá hẹ rồi đặt lên lớp bột vừa trải, sau đó gập đôi lại đem đi hấp trong nồi. Bánh trứng kiến đã chín sẽ được mang ra để nguội rồi cắt thành miếng vuông vừa ăn. Khi ăn bánh, ta sẽ cảm nhận được cái dẻo của lớp bột nếp, vị bùi ngậy của trứng kiến hòa quện cùng hương thơm nhẹ của lá vả, đã ăn một lần thì nhớ mãi.

Món ăn từ ong vò vẽ

dac-san-cao-bang-la-va-ngon4

 

Ai nghe đến ong vò vẽ cũng nghĩ ngay đến loài ong có nọc độc nguy hiểm mà không nghĩ rằng nhộng của loại ong này có thể làm thành món ăn đặc sắc. Người dân Cao Bằng đã biết cách tận dụng ong võ vẽ và biến nó trở thành một món đặc sản rất riêng. Những con nhộng béo mập được lấy trực tiếp từ tổ, đơn giản nhất là xào với măng chua ăn vừa có vị  béo ngậy của nhộng vừa có vị giòn giòn chua chua của măng. Cầu kỳ hơn thì nấu cháo với nhộng ong ăn cũng rất ngon. Đến với Cao Bằng vào mùa thu là bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn đặc biệt này.

Xôi trám Cao Bằng

dac-san-cao-bang-la-va-ngon

Trám là loại quả chỉ có ở các vùng miền núi và ở Cao Bằng chúng được bà con Tày, Nùng thu hái vào mùa thu để làm thành món xôi rất ngon. Trám được chọn là quả trám đen (không phải trám trắng) đã chín mọng, ngâm với nước ấm rồi lấy một ít thịt trám trộn với xôi đã đồ. Xôi trám sẽ có màu tím nhạt, ăn thơm và bùi, có thể dễ dàng tìm mua ở các chợ phiên vùng cao của Cao Bằng.

trên đây đa số là món ăn truyền thống Việt nam, Để có thể PR quảng cáo món ăn trên mạng thì bạn nên tìm ý tưởng chụp ảnh món ăn truyền thống độc đáo cuốn hút.

Thịt bò gác bếp

dac-san-cao-bang-la-va-ngon2

Nhắc đến món ăn này là ai cũng phải thèm nếu đã từng một lần được ăn thử. Ở Cao Bằng, tìm đến các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng là những nơi nuôi nhiều bò nhất thì du khách sẽ có dịp thưởng thức món đặc sản thịt bò gác bếp và mua về làm quà cho người thân, bạn bè.

Cách làm món này hơi cầu kỳ một chút. Thịt bò tươi được người dân khía qua sau đó tẩm với muối, nước cốt gừng, và rượu trắng theo một tỷ lệ nhất định cho thấm. Ướp xong thì người ta dùng lạt tre xâu thành từng tảng, sau đó treo lên gác bếp. Có lẽ vì thế nên món ăn này có cái tên dân giã là thịt bò gác bếp chăng? Nhờ hơi nóng của lửa, hơi khói ở các căn bếp luôn ấm lửa  của người Tày, Nùng mà các tảng thịt tươi trở lên khô dần và săn lại. Chừng khoảng nửa tháng là có thể mang thịt xuống ăn được rồi. Miếng thịt lúc này có màu nâu sậm, cứng đanh, có thể chế biến bằng cách ngâm trong nước nóng cho thịt mềm ra, rửa sạch lại rồi thát từng lát mỏng. Chảo được bắc lên bếp, cho mỡ vào, phi tỏi cho thơm lên rồi cho thịt bò vào đảo sơ qua, sau đó cho một ít nước vào om một lúc. Thịt gần chín thì cho thêm tỏi đã băm nhuyễn, ít gừng thái sợi, nêm thêm chút muối cho vừa miệng là đã hoàn thành món thịt bò gác bếp thơm lừng, ứa nước miếng. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được từng miếng thịt bò mềm, hơi dai vừa có vị ngọt của thịt vừa có vị cay cay, thơm lừng của gia vị.

Bạn còn chần chừ gì mà không một lần đến với Cao Bằng vừa để tham quan, tìm hiểu đời sống của người dân tộc nơi đây, vừa để thưởng thức những món đặc sản tuyệt vời không phải ở đâu cũng có