Đặc sản bánh bò thốt nốt An Giang

Posted by

Bên cạnh đặc sản mắm làm nên thương hiệu ẩm thực An Giang, mảnh đất này còn nổi tiếng bởi bánh bò thốt nốt vàng ươm khiến ai ăn đều gật gù khen ngợi. Loại bánh truyền thống của miền Tây này với vị thơm của cơm rượu, béo của nước dừa, kết hợp với vị ngọt đậm đà của đường thốt nốt mang lại vị ngon khó cưỡng.

  1. Nguồn gốc

Bánh bò là một loại bánh ngọt, thành phần gồm có bột gạo, đường, nước cốt dừa và men. Người ta có thể dùng bánh bò để làm món điểm tâm, tráng miệng, hoặc ăn kèm thịt khìa, heo quay… Tùy theo vùng miền và cách chế biến mà bánh bò có nhiều tên gọi khác nhau. Với người Tây Nam bộ, nhất là ở vùng Bảy Núi An Giang, bánh bò thường được làm từ đường thốt nốt, tạo nên hương vị và màu sắc đặc biệt mà các loại đường khác không có được.

Đến Châu Đốc, An Giang, qua các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên…, đâu đâu bạn cũng bắt gặp cây thốt nốt. Có thể nói thốt nốt là đặc trưng của người Khmer Nam Bộ và là loại cây đa dụng của vùng Thất Sơn huyền bí. Lá thốt nốt được dùng để lợp nhà, làm chất đốt, cây già làm cột nhà, làm bàn ghế… Riêng, trái thốt nốt để lại dư vị khó quên trong lòng du khách với những món ăn dân dã như: cơm (cùi) thốt nốt, nước thốt nốt tươi (hoặc lên men), đường tán, chè thốt nốt, bánh gói thốt nốt…

                                                           Bánh bò thốt nốt                                                                         Bánh bò thốt nốt

Đường thốt nốt được sản xuất bằng phương pháp thủ công và không hề sử dụng đến hóa chất nên rất an toàn khi sử dụng. Thành phần chủ yếu của đường thốt nốt là đường đa polysaccharide nên ít làm tăng đường huyết so với các loại đường đơn như đường cát trắng. Ngoài ra nó còn chứa kali, magiê, vitamin và một số chất chống oxy hóa… nên có tác dụng bồi bổ và thanh lọc cho cơ thể. Thông thường các loại bánh bò đều làm bằng đường cát trắng hoặc cát vàng. Riêng bánh bò thốt nốt, một loại bánh làm bằng bột gạo nhưng dùng toàn đường thốt nốt nên có màu vàng lợt, mùi vị đặc trưng, thơm ngon quyến rũ vì đường thốt nốt có vị ngọt thanh và beo béo, không gắt.

Bánh bò thốt nốt tuy là món ăn vặt nhưng rất giàu năng lượng vì chứa nhiều carbohydrate (bột, đường) và chất béo bão hòa. Những người bị rối loạn mỡ máu và đái tháo đường nên ăn món này có chừng mực.

  1. Dụng cụ làm bánh bò thốt nốt

Dụng cụ để chế biến loại bánh này gồm có khuôn bánh, xửng hấp và bếp lò. Nguyên liệu làm bánh gồm bột gạo xay trộn với đường thốt nốt (loại đường hảo hạng) rồi ủ với nước cơm rượu. Bí quyết của loại bánh này là cách pha chế nước cơm rượu sao cho bột lên men trước khi đổ vào khuôn đem hấp. Trong suốt quá trình chế biến từ khâu thắng đường, ủ men cho bột “dậy” đến hấp bánh đều công phu, tỉ mỉ.

Thường mỗi khuôn bánh to bằng miệng đĩa lớn, dày khoảng 3cm. Sau khi hấp gần chín người ta phết lên mặt bánh một lớp nước cốt dừa đã nấu chín. Nước cốt dừa đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng của chiếc bánh. Theo người làm bánh, muốn cho nước cốt thơm và béo bà dùng toàn dừa khô, vắt lấy nước, thêm ít muối trước khi nấu.

  1. Cách làm bánh bò thốt nốt

Theo các bà bán bánh nơi đây, làm món bánh bò thốt nốt hơi mất công một chút. Bánh gồm các nguyên liệu chính: bột gạo, bột thốt nốt, đường thốt nốt, nước cốt dừa, và phải tuân thủ theo đúng quy trình

Bánh gồm các nguyên liệu chính là bột gạo, bột thốt nốt, đường thốt nốt, nước cốt dừa. Khi ăn, bánh xốp, có vị ngọt béo của đường, dừa, hòa lẫn mùi thơm thoảng đặc trưng của đường thốt nốt xông lên tận mũi, không lẫn vào đâu được.

Trước tiên, gạo phải là gạo nàng Nhen cũ, đặc sản vùng Bảy Núi, xay thành bột. Mài trái thốt nốt già chín, gạn lấy bột. Đường thốt nốt chọn loại đường tán, không lẫn tạp chất và một ít nước cốt dừa. Cho tất cả hỗn hợp trên vào thau trộn đều cùng ít nước với tỷ lệ vừa đủ, ủ kín qua đêm.

Bánh bò thốt nốt hấp dẫn du khách khi ghé thăm An Giang

                                Bánh bò thốt nốt hấp dẫn du khách khi ghé thăm An Giang

Nên nhớ cần thêm một ít nước cơm rượu vào để bột lên men nhanh, và khi hấp chín, bánh xốp mới thơm ngon. Tiếp đến, dùng vá đổ bột vào khuôn tròn hay vuông tùy thích, cho vào xửng hấp chừng 20 phút, khi thấy mùi thơm tỏa lên ngào ngạt là chín. Cuối cùng, giở xửng lấy bánh ra, rắc một ít dừa nạo lên, và dùng “lá soong”, thứ lá đặc biệt ở vùng Châu Đốc, hoặc lá chuối xiêm gói bánh lại là xong.

Mỗi lần giở nắp xửng ra, khói bốc lên ngun ngút, mùi thơm lan tỏa, tràn ngập khiến ai nấy đều có cảm giác thích thú cái hương vị nồng nàn, ngan ngát mùi dân dã Bảy Núi, quê hương của cây thốt nốt. Trước khi ăn, người ta dùng dao cắt bánh ra thành nhiều miếng nhỏ giống như múi bưởi. Bánh bò là món vừa ăn chơi vừa đãi khách, đồng thời cũng là món bánh dùng trong các tiệc tùng, giỗ chạp. Bánh bò thốt nốt sử dụng trong ngày, nếu để tủ lạnh có thể bảo quản cả tuần.