Trong cái nắng hanh hanh giữa tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, người dân khu vực bãi bồi ven sông Bình Di (ấp An Hòa, xã Khánh An, An Phú) tất bật vào mùa làm khô sặc rằn. Mấy chục năm qua, khô cá sặc rằn của Khánh An trở thành thương hiệu và nổi tiếng không chỉ trong vùng, mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực…
- Đặc điểm của khô cá sặc rằn An Giang
Cá sặc rằn có kích thước lớn hơn cá sặc cùng loài, nguồn thức ăn chính là rong tảo và ấu trùng. Với ưu điểm thịt thơm ngon, ít xương và giàu chất dinh dưỡng, cá sặc rằn trở thành loại thực phẩm quen thuộc trong các bữa ăn gia đình. Khô sặc rằn Khánh An nổi tiếng nhờ lớn con, màu đen bóng, thơm ngon, mỡ nhiều, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Bà Trịnh Thị Thu, một chủ vựa lớn chuyên cung cấp thị trường ĐBSCL và TPHCM cho biết: Cá nguyên liệu phải chọn lựa kỹ. Muối đen phải mua từ Ba Tri (Bến Tre). Cá sặc rằn sau khi đánh bắt về được mang lên đánh vẩy, làm đầu rồi mang đi muối 2 đêm thật mặn, sau đó rửa thật sạch, nếu rửa không sạch sau này muối mặn nổi trắng lên không bán được, nếu muối không ăn, cá phình lên là hết vốn. Phơi cá 2 nắng là được, khi phơi phải canh chừng trở cá cho khô đều, nắng không tốt thì cá khô sẽ hôi. Mùa mưa phải thức sáng đêm, nếu mưa suốt ngày không nắng phải đem khô vào bọc bỏ thùng đông lạnh, chờ nắng tốt rửa lại đem phơi. Để có một ki-lô-gam cá khô cần 2,2 – 2,5 ki-lô-gam cá tươi.
Khô cá sặc rằn Khánh An là món quà biếu được ưa chuộng
- Cách sử dụng khô cá sặc rằn An Giang
Với vị thơm ngọt và độ dai, khô cá sặc rằn được dùng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn. Từ khô cá sặc rằn nướng chấm với mắm me tới gỏi xoài khô cá sặc rằn mang đậm hương vị chua, ngọt, mặn đặc trưng. Khi chế biến món khô cá sặc, chúng ta nên ngâm với nước sạch khoảng 15 đến 20 phút để giảm bớt độ mặn vì đặc điểm của loại khô này là vị mặn để bảo quản khô được lâu hơn. Khi nướng chín khô tất nhiên phải đập sơ để loại bỏ phần bị cháy khét, và nhứt thiết là phải dựng đứng con khô lên, đập nhẹ trên lưng nó vài cái đặng mình con khô hơi bung ra. Khi ăn chỉ cần gỡ bỏ vây lưng, tại nơi ấy, ta xé tách con khô ra làm đôi rất dễ dàng. Gỡ bỏ xương, còn lại toàn nạc.
Người răng tốt rất khoái nhai vây bụng và đầu khô vì nó không chỉ ngon, thơm mà còn giòn, béo! Nhậu khô sặc rằn với rượu đế thì không thể chê vào đâu được. Còn xé bốc ăn với cơm nguội thì… ngon chưa từng thấy. Chính vì vậy mà hiện tuy cá sặc rằn được nuôi nhiều nhưng khô sặc rằn vẫn bán rất cao giá. Người có nhiều tiền thường tìm mua để dùng làm quà biếu, cho nên nay nó không còn là món ngon của người bình dân nữa! Khô cá sặc rằn ngoài là món ăn thơm ngon đặc biệt, nó còn là món quà quý của những người con miền Tây xa quê cũng như của khách thập phương khi đến với xứ miền Tây sông nước.
Ở Khánh An hiện có gần 40 cơ sở và hộ nhỏ lẻ chế biến khô sặc rằn. Mỗi năm, xã Khánh An làm hàng ngàn tấn khô các loại (cá lóc, lóc bông, cá kết…), trong đó chủ lực là khô sặc rằn. Trước đây, nguyên liệu cá sặc rằn chủ yếu được mua từ Thái Lan, Campuchia. Huyện An Phú đã quy hoạch vùng nuôi cá sặc rằn thương phẩm, với diện tích 13 héc-ta để cung ứng cho các cơ sở chế biến nên chủ động được nguồn nguyên liệu.
Khô cá sặc rằn An Giang được chế biến thành nhiều món ăn
Khô sặc rằn Khánh An nổi tiếng do lớn con, màu đen bóng, thơm ngon, mỡ nhiều… nên rất được ưa chuộng. Khi chế biến món khô cá sặc rằn nên ngâm với nước sạch khoảng 15- 20 phút để giảm độ mặn vì đặc điểm của loại khô này là vị mặn để bảo quản khô được lâu hơn.